Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Dệt may, da giày trông chờ chính sách riêng cho ngành thời trang Việt Nam
  • 26/08/2020

Với các lợi thế về thị phần sẵn có trên thị trường thế giới, ngành dệt may da giày đang cần có những chính sách riêng phù hợp để tạo ra sự đột phá về thị phần trong ngành công nghiệp thời trang thế giới.


 


Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: CA

Nhiều khó khăn

 Là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, ngành dệt may và da giày đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả đầu vào và đầu ra. Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt mayvà da giàyvẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Tập đoàn Dệt may(Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam trongcáccuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Tương tự ngành dệt may, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19đã kéo hoạt động xuất khẩu  các sản phẩm giày dép trong 7 tháng đầu năm giày dép giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019chỉ đạt 9,53 tỷ USD.

Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết với hiệp định EVFTA, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm.

Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm.Theo bà Phan thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, thực hiện EVFTA, mục tiêu của ngành da giày và vươn tới  thị phần lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.  

Hiện nay trong 3 khâu của chuỗi giá trị toàn cầu từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất cho đến phân phối, Việt Nam đang làm rất tốt ở khâu sản xuất. Do đó, trong giai đoạn tới cần phát triển khâu cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào.

Để làm tốt nhiệm vụ này, theo đại diện Lefaso, cần thành lập khuyến khích các trung tâm nghiên cứu và phát triển; xây dựng các khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu; các trung tâm giao nhận thương mại, các hội chợ triển lãm kết nối với hệ thống logictis. Có được 3 nguồn lực này thì các đơn hàng sẽ được tiếp nhận vào Việt Nam dễ dàng.

Phát triển công nghiệp thời trang

Từ các mục tiêu trên, cần có các chính sách phát triển chuỗi giá trị mới cho ngành da giày. Trong tình hình hiện nay, chúng ta đang có thời cơ tốt khi nguồn cung bị đứt gẫy và sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng là một động lực thúc đẩy và phát triển chuỗi giá trị mới cho ngành sản xuất  da giày.

  

Chính sách đầu tiên, theo đề xuất của Lefaso là phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay mặc dù đã có nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành thời trang, cần có một nghị định riêng cho ngành da giày, dệt may và hướng tới phát triển công nghiệp thời trang của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các ngành này phát huy, mở rộng được nhiều sản phẩm thu hút đầu tư công nghệ trên cơ sở  tận dụng được các lợi thế của sản phẩm truyền thống. Đây sẽ có cơ hội để ngành thời trang Việt Nam mở rộng thị phần trong ngành công nghiệp thời trang trên thế giới hiện nay với dung lượng thị trường 580 tỷ USD và mức tăng trưởng 10%. 

Bên cạnh đó, theo bà Phan Thị Thanh Xuân cần khắc phục điểm yếu về liên kết chuỗi của ngành thời trang Việt Nam  thông qua chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi. Hiện nay các  DN sản xuất theo chỉ định của khách hàng về cung ứng nguyên phụ liệu, thậm chí có nguyên liệu ở Việt Nam sản xuất được nhưng do chỉ định của khách hàng nên không thể mua trực tiếp từ các DN trong nước. Do đó trong thời gian tới nên có chính sách thúc đẩy các mối liên kết theo chuỗi thì mới thực hiện thành công xuất khẩu cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực, cần có chính sách liên kết hợp tác quốc tế vì ngành thời trang cần tận dụng các kiến thức công nghệ từ bên ngoài cũng như tiệm cận với trình độ phát triển của các nước phát triển. Liên kết đào tạo quốc tế sẽ giúp DN nâng cấp lên rất nhiều”, bà Xuân cho biết.

Cùng quan điểm như trên, ông Lê Tiến Trường Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho rằng một trong những nút thắt trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may hiện nay là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân là do trong cả nước chưa có các khu công nghiệp được quy hoạch riêng cho loại hình sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may. Đây cũng đang là một rào cản trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt trong bối cảnh EVFTA đã có hiệu lực và đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt may để thu hút đầu tư từ các DN EU với công nghệ và thiết bị tốt nhất thế giới. Do đó, một trong những giải pháp Chính phủ cần làm để hỗ trơ ngành dệt may là sớm có quy hoạch về các khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu để hỗ trợ các DN dệt may đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa tận dụng được ưu đãi thuế của các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.

 Theo : thuongtruong.com.vn

Tin tức liên quan