Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da giày Việt Nam - Đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA
  • 04/11/2020

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, da giày Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Ngành da giày đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt gần 20 tỷ USD và đạt hơn 10 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2019, tạo ra 1,5 triệu việc làm. Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, chiếm đến 70 - 80%, mặc dù số lượng doanh nghiệp da giày FDI chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ hơn 10% tổng số doanh nghiệp da giày cả nước. Trong thời gian tới, ngành da giày trong nước vẫn đứng trước nhiều thách thức, như thách thức về mức lương ngày càng tăng, tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ…

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy năm 2019 đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Riêng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, trong đó có 50 nước kim ngạch xuất khẩu hơn một triệu USD. Hiện, ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp da giày muốn tồn tại và phát triển thì phải thay đổi. Theo đó, ngoài việc Nhà nước tạo điều kiện, chính sách thông thoáng, ngành da giày phải dựa trên các trụ cột, đó là: phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu trong nước; tăng năng suất lao động; các doanh nghiệp cần quản trị dựa trên nền tảng số và định vị lại ngành da giày theo hướng khuyến khích, ưu tiên đầu tư ở một số tỉnh miền trung và các tỉnh miền Tây. Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất mà ngành da giày đang phải đối mặt hiện nay là về chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực các trường đào tạo ra phần lớn khi các doanh nghiệp tuyển dụng vào phải mất một thời gian cho đi đào tạo lại.

Ông Jong Chan Lee, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hwaseung Vina cho rằng: Các doanh nghiệp da giày nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, nhưng để thu hút được nhiều hơn thì Nhà nước cần cải cách chính sách về thuế. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần có chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành da giày để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bởi, ngoài việc nguồn nhân lực đang thiếu thì trình độ chuyên môn của người lao động chưa làm chủ được các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp hiện nay.

Cũng tại diễn đàn, các diễn giả cho hay, ngành da giày đang có cơ hội lớn đến từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Khi các hiệp định này có hiệu lực hoàn toàn, hàng rào thuế quan vào thị trường các nước EU và các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được gỡ bỏ sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa cho ngành da giày Việt Nam. Do đó, Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2019 có ý nghĩa quan trọng trong phân tích bức tranh tổng quan về tình hình phát triển của ngành công nghiệp da giày và công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày Việt Nam, đồng thời đề ra những chính sách, giải pháp chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam “bước” vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như: CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)… Nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì Lefaso, cũng như các doanh nghiệp cần giải quyết các điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải, đó là công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước chưa phát triển (nguyên phụ liệu phụ thuộc vào nhập khẩu hơn 80%); thiếu chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; thiếu quy hoạch phát triển ngành theo cụm liên kết và chuỗi giá trị. Cùng với đó là chưa phát triển được thương hiệu mạnh và đội ngũ thiết kế trong nước; thiếu các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cho ngành.

Qua đó, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc hình thành chuỗi giá trị ngành da giày để góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực da giày, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp da giày; hình thành các cụm liên kết ngành trong ngành da giày để tận dụng thế mạnh và lợi thế so sánh của các tỉnh và đẩy mạnh liên kết vùng; hình thành và phát huy hiệu quả của trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.