Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da giày đang thay đổi để thích ứng
  • 16/01/2024

Các doanh nghiệp phải cải tiến, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU.

Theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam ước khoảng 24 tỷ USD trong năm 2023, chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng.

Theo lãnh đạo Lefaso, nếu như trước đây các hoạt động phát triển bền vững chủ yếu mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua các chính sách của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Điều đó cho thấy, thách thức đặt ra là doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chuẩn bị để tuân thủ các quy định mới và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững.

Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)
Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Trên thực tế, trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về. Trong cơ cấu giá trị của đôi giày, chi phí nguyên phụ liệu chiếm đến 70%, vì vậy dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Phải kể tới hạn chế lớn nhất của ngành da giày Việt Nam là sự phát triển không đồng đều ở các khâu, đặc biệt là ở công đoạn đầu trong chuỗi giá trị sản xuất nguyên liệu, thiết kế mẫu mã. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu USD nguyên phụ liệu cho công đoạn này. Toàn ngành hiện có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu…

Hàng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu như da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất… Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày hiện cũng đang tăng lên từ 40% lên 55%; cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao, Việt Nam đã chủ động được 70 - 80% nguyên phụ liệu, giày vải chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội da giày TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và cần có thêm một kế hoạch dài hơi.

Tuy nhiên, ngành da giày vẫn có những lợi thế, kỳ vọng phát triển, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan TP. Hồ Chí Minh, nhờ tận dụng được các Hiệp định như EVFTA, CPTPP nên kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt. Đơn cử trước khi EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào EU chỉ chiếm khoảng 22 - 23%, còn sau khi Hiệp định này có hiệu lực thì con số này được nâng lên 26%. Trong thời gian tới, ông Kiệt cho rằng, kết nối cung cầu cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến, liên kết hợp tác, hình thành chuỗi cung ứng, kết nối hai chiều giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài…

Lãnh đạo Lefaso cũng khuyến nghị, doanh nghiệp da giày Việt Nam đang dần tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao. Các doanh nghiệp cũng phải cải tiến, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết, phát triển bền vững đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp ngành da giày nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Ngành buộc phải đưa ra những định hướng và hành động rõ ràng để tuân thủ quy định mới của các thị trường và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững. Theo bà Xuân, năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với ngành da giày. Cùng với đó, chính sách thương mại tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành cũng đang thay đổi nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, “Lefaso sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thông qua hoạt động hội thảo, đào tạo, kết nối mạng lưới để doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ. Ngoài ra, Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng cần tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường để doanh nghiệp thực sự nắm bắt được nhu cầu…”, bà Xuân cho biết.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tin tức liên quan