Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao doanh nghiệp dệt may, da giày chủ động vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19
  • 01/04/2020
 Chiều ngày 05/3/2020, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc thực địa tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may (Tổng Công ty May 10), da giày (Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây) để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang phải đối mặt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Dệt may và da giày được đánh giá là hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và nặng nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Cùng tham gia Đoàn công tác còn có đại diện Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại....

EVFTA: Gia tăng khả năng xuất khẩu cho doanh nghiệp tại thị trường châu Âu

Đến thăm Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây (Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vui mừng khi chứng kiến không khí làm việc hăng say tại Công ty những ngày đầu năm. Bộ trưởng cũng đánh giá cao Lãnh đạo Công ty dù trong tình hình dịch bệnh vẫn đảm bảo công việc, lương cũng như ổn định tâm lý, giúp người lao động yên tâm công tác. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm các xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây giới thiệu, Công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.

Công ty chủ yếu sản xuất giày lưu hóa nên tỷ lệ nội địa hóa trên 70% (đế giầy, vải thô, lót và một phần PU, một số phụ kiện trang trí, đinh tán). Một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu. Do đó, dù tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cũng như nhiều doanh nghiệp da giày khác, Công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gợi ý, với tỷ lệ nội địa hóa cao, có những đôi giày lên đến 95% như vậy, Công ty nên tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Bộ trưởng cũng giao Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại cùng với hệ thống thương vụ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường để xúc tiến, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

Người lao động Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây 

Bàn về các giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, do sản xuất theo hình thức FOB, Công ty đã và đang chủ động liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chủ động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng về việc nắm bắt các thông tin cũng như lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chủ động của doanh nghiệp khi sẵn sàng đón đầu những cơ hội của Hiệp định. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, khách hàng từ châu Âu sẽ ưu tiên lựa chọn Công ty (đến từ Việt Nam) vì bên cạnh các yếu tố thuận lợi về thuế suất được hưởng từ Hiệp định, đối tác châu Âu cũng đánh giá cao chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của Công ty hơn các doanh nghiệp đến từ nhiều nước khác. Vì vậy, EVFTA chính là đòn bẩy giúp doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu một cách thuận lợi hơn.

Dù trong tình huống rất xấu cũng không được để xảy ra tình trạng phá sản

Chiều muộn cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đến thăm và làm việc tại Tổng Công ty May 10. Rất đông người lao động của Tổng công ty vẫn đang mải miết để hoàn thành công việc, kịp tiến độ nhưng đảm bảo năng suất và chất lượng tốt nhất. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (phải) lắng nghe ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, Tổng Công ty luôn đặt vấn đề chăm lo sức khỏe, đời sống cho 12.000 người lao động (thuộc hơn 18 nhà máy, xí nghiệp tại các tỉnh thành trên khắp mọi miền tổ quốc) lên hàng đầu. Công ty cũng đã thành lập Ban phòng chống dịch bệnh và thường xuyên túc trực, cập nhật tình hình. Theo ông Thân Đức Việt, sức khỏe của người lao động là tài sản của Công ty, nếu chẳng may một trường hợp nhiễm bệnh, cả nhà máy, thậm chí cả Tổng công ty phải đóng cửa, bị cách ly. Do đó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần quan tâm đến người lao động, không thể chủ quan, lơ là.

Thông tin về những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay do tác động của dịch bệnh, Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ về việc sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc; nỗi lo nhân công; nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung trong khi đối tác vẫn cần hàng... Công ty cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án khi dịch bệnh có thể kết thúc hoặc kéo dài. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh biểu dương sự chủ động của Tổng công ty, đồng thời nhấn mạnh, dù trong tình huống rất xấu cũng không được để xảy ra tình trạng phá sản vì chúng ta còn có trách nhiệm xã hội rất lớn. Bộ trưởng cũng ghi nhận sự quan tâm sâu sát đến đời sống người lao động của Lãnh đạo Tổng công ty. Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục chăm lo cho người lao động, có chính sách phù hợp để duy trì đội ngũ người lao động có tay nghề cao.

Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ông Thân Đức Việt bày tỏ niềm vui khi EVFTA đang được Lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình Quốc hội họp và phê chuẩn. Theo đại diện doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và tăng năng lực cạnh tranh khi các dòng thuế giảm ngay về 0%, hoặc giảm dần từ 3-7 năm khi có hiệu lực.

Khó khăn, thách thức cũng luôn song hành cùng cơ hội

Đến thăm doanh nghiệp dệt may và da giày trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự tích cực, chủ động vượt khó của từng doanh nghiệp. Đó là việc Lãnh đạo luôn sâu sát đến đời sống của người lao động, chủ động tìm kiếm nguồn cung, tìm kiếm thông tin về thị trường, khai thác các cơ hội từ FTA... Mỗi doanh nghiệp có thể có những dự báo riêng, những phương án, kịch bản riêng, nhưng doanh nghiệp cũng cho thấy sự chủ động để vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo Bộ trưởng, đây là tinh thần và văn hóa của doanh nghiệp, của người đứng đầu, rất đáng biểu dương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ luôn lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Về phía Bộ, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, khó khăn, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đây là lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Nguồn : Sưu tầm

Tin tức liên quan