Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • CEO SAADO Phùng Lê Lâm Hải: Tôi muốn giày Việt 'ngẩng cao đầu' trên thị trường quốc tế
  • 15/10/2020
 

SAADO – thương hiệu giày sandal thiết kế do CEO trẻ Phùng Lê Lâm Hải sáng lập từ năm 2018 hiện đã có mặt tại 5 quốc gia trên thế giới. Việc ra đời của thương hiệu này xuất phát từ khao khát từ mong muốn ngành da giày Việt Nam có thể “ngẩng cao đầu” trên thị trường quốc tế.


CEO SAADO Phùng Lê Lâm Hải khởi nghiệp với sản phẩm giày dép sandal. Ảnh: NVCC.

Không muốn giày da Việt mãi chỉ làm gia công

Chia sẻ với Thế giới Tiếp thị, doanh nhân Phùng Lê Lâm Hải cho biết, ý tưởng thành lập SAADO xuất phát từ những ngày đi làm thuê cho tập đoàn đa quốc gia, trong thời gian đó anh có cơ hội được tiếp xúc với ông lớn ngành giày dép là Adidas.

Khi đó, doanh nhân trẻ này nhận thấy rằng ngành sản xuất da giày Việt Nam đa phần xuất khẩu thô và nhận gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Vì vậy, ngoài sở hữu lượng nhân công giá rẻ, ngành da giày Việt Nam vẫn phụ thuộc nguyên vật liệu, công nghệ, máy móc, đầu ra ở các nước khác. Nói một cách chính xác, các ông chủ của chúng ta vẫn đang đi làm công cho các nước phát triển.

Doanh nhân Phùng Lê Lâm Hải khẳng định điều đó không sai, việc này rất tốt trong giai đoạn đất nước mới và còn đang phát triển.

Tuy nhiên, Phùng Lê Lâm Hải cũng nhận ra rằng, người Việt rất giỏi về chuyên môn và thích sản xuất sản phẩm thô, họ chỉ cần mở xưởng, thuê công nhân và giao sản phẩm cho đối tác; việc thương mại và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn chưa được chú tâm đúng cách. Vì vậy, trong quá trình làm việc tại tập đoàn đa quốc gia, anh thấy rằng mình phải học hỏi và sử dụng tư duy, phong cách làm việc của phương Tây để phát triển một thương hiệu Việt mang tầm quốc tế.

“Adidas bán hàng toàn cầu và khi họ tìm kiếm đối tác nhà máy ở các nơi trên thế giới, họ luôn có quyền lực của nhà mua hàng. Trong khi Việt Nam chỉ đi gia công, nên có người đặt hàng là tốt rồi. Với tâm lí đó, chúng ta luôn ở thế dưới khi đi đàm phán; thật ra chúng ta không đi bán hàng, kì thực chúng ta chỉ đang xin họ mua hàng; và đã xin họ mua hàng, tức là phải cúi thấp đầu xuống", CEO SAADO nói.

Cũng theo doanh nhân này, đó cũng là lý do anh muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam mà quốc tế biết tới. Khi thành công và giải quyết tốt về đầu ra, ngành công nghiệp phụ trợ mới hình thành và khi đàm phán với đối tác, doanh nghiệp Việt như SAADO mới có thể ngẩng cao đầu.

CEO đi bán hàng và kì tích 25.000 đôi giày trong 6 tháng

SAADO đi vào thị trường "ngách" là thiết kế các mẫu giày sandal dành cho mọi lứa tuổi. Ảnh: T.L.

Để có thương hiệu SAADO như hiện tại, vị CEO trẻ tuổi phải mất hai năm để nghiên cứu thị trường, khách hàng, tìm nhà đầu tư và đội ngũ nhân sự đồng hành. Với thế mạnh về quản lý và thương mại, Phùng Lê Lâm Hải nhanh chóng tìm được những giám đốc sản xuất có kinh nghiệm trong ngành giày dép để kéo họ cùng đồng hành và để tạo nên những đứa con tinh thần của SAADO.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều startup khác, dù có sự chuẩn bị kĩ lưỡng đến đâu, SAADO cũng không tránh khỏi nhiều lần “nghìn cân treo sợi tóc”. Việc một thương hiệu mới, chưa có chỗ đứng trên thị trường nhưng mở một lúc 3 cửa hàng bán lẻ khiến SAADO phải gánh một khoản chi phí khổng lồ vào thời điểm đó.

 

Cùng với đó, việc phân cấp lãnh đạo chưa rõ ràng, dẫn đến quá trình điều hành sản xuất gặp trục trặc, lượng giày sản xuất liên tục trong khi đầu ra chưa có, SAADO phải đối mặt với lượng tồn kho lên tới hơn 20.000 đôi giày.

Đối mặt với "cửa tử”, vị CEO trẻ buộc phải chọn cách vùng lên để giữ được công ty. Doanh nhân Phùng Lê Lâm Hải cũng cho biết, trong lúc này, anh rất may mắn khi trong quá trình khởi nghiệp được sự giúp đỡ và đồng hành của những người đồng nghiệp cũ tại tập đoàn đa quốc gia, giúp kết nối với một số đối tác, người mua hàng, người có uy tín, thậm chí triệu phú, tỉ phú trong ngành tại các quốc gia khác.

Không bỏ lỡ cơ hội để cứu sống doanh nghiệp, anh Hải dồn tâm sức thiết kế hồ sơ chi tiết, bỏ tiền túi đặt vé máy bay, mang từng đôi giày đến từng nước để gặp đối tác và giới thiệu cho họ về sản phẩm.

Phùng Lê Lâm Hải nhớ lại, năm 2019, anh miệt mài đi 10 nước châu Âu, châu Á để tìm kiếm cơ hội. Rất may mắn, các đối tác đều hài lòng khi nhìn thấy những đôi sandal SAADO và đồng ý nhập sỉ. Cộng với việc bán hàng qua trang thương mại điện tử Alibaba và một số đơn hàng khác, 25.000 đôi giày đã được vị CEO trẻ bán đi trong vòng 6 tháng.

“Nhờ 25.000 đôi giày bán sỉ, dù không lời nhiều nhưng tôi lấy lại được vốn và công ty tiếp tục có nguồn tiền để duy trì hoạt động”, CEO SAADO cho biết.

Hiện nay, SAADO đã có mặt ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Năm 2021, SAADO có kế hoạch mở rộng tại Úc, Philippines, Hồng Kông, Ấn Độ. SAADO hiện đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử và thông qua hệ thống đại lí, cộng tác viên. Sắp tới, SAADO cũng sẽ tiếp cận với các quỹ đầu tư công nghệ để có nguồn lực hỗ trợ sứ mệnh của SAADO sớm trở thành hiện thực.

"Dịch Covid-19 đối với tôi là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường"

Khát vọng của SAADO và CEO Phùng Lê Lâm Hải là muốn người Việt có thể tự hào về sản phẩm mang thương hiệu nội địa. Ảnh: T.L.

CEO Phùng Lê Lâm Hải cho hay, trong những năm qua, nhiều người bán hàng Việt Nam đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước khi sẵn sàng bán những loại giày dép chất lượng kém.

Vì vậy, dù nhiều thương hiệu giày dép trong nước có chất lượng tốt nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả giá rất cao cho các thương hiệu nước ngoài, chỉ đơn giản vì họ có niềm tin, họ tin vào cách làm ăn, triết lí kinh doanh, cách ửng xử văn hóa của các thương hiệu lớn với người tiêu dùng; và tất nhiên là chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo.

Đối với SAADO, doanh nhân này tự nhận thấy thương hiệu của mình tại thị trường nội địa chưa quá lớn, dù mức tăng trưởng mỗi năm đạt 150-200%. Vì vậy, kế hoạch trong 5 năm tới của vị CEO này là giúp SAADO định hình rõ nét tại thị trường nội địa.

“Hai năm qua, chúng tôi đi theo chiều ngang, hiện nay chúng tôi sẽ bắt đầu đi theo chiều sâu, nâng cao và tối ưu về hiệu suất vận hành và kinh doanh. Dịch Covid-19 đối với tôi là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi cần thêm nhà đầu tư đồng hành, với sự hỗ trợ công nghệ để phát triển thương hiệu Việt nhanh và hiệu quả hơn”, doanh nhân Phùng Lê Lâm Hải chia sẻ.

 Theo : thegioitiepthi.vn

Tin tức liên quan