Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Quốc hội khóa 13
  • 05/06/2013

Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam,

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Quốc hội khóa 13

Kính thưa đoàn chủ tịch, thưa các vị đại biểu quốc hội,

Tôi xin được đi thẳng vào một số điều khoản trong bản dự thảo Hiến pháp mà tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi.

1. Điều 2 về Bản chất nhà nước và các nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.

Tôi đồng tình với ý kiến thứ 2: Khẳng định “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Thật ra chỉ cần ghi tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như ý kiến thứ ba là đủ, tuy nhiên với ý kiến thứ 2 ta nhấn mạnh thêm được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tư cách là động lực của sự phát triển, là nguyên nhân của mọi thành công như Bác Hồ đã dạy: “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Đây là yêu cầu quan trọng của đất nước ở mọi giai đoạn phát triển, nhất là khi đất nước đang đứng trước những khó khăn thử thách to lớn.

Một số đại biểu đồng ý với ý kiến thứ nhất ,tôi cũng xin được trao đổi thêm về loại ý kiến này. Theo tôi, nếu cần phải khẳng định nền tảng là khối liên minh giữa một số giai tầng xã hội trong hiến pháp, thì tôi đề nghị bổ sung thêm đội ngũ doanh nhân và coi đây là một bước phát triển mới của liên minh nền tảng trong khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Lần theo lịch sử Hiến pháp nước nhà, Hiến pháp năm 1946 không xác định liên minh nền tảng. Hiến pháp năm 1959 và 1980 xác định nền tảng là công-nông liên minh. Hiến pháp năm 1992 bổ sung đội ngũ trí thức và xác định liên minh nền tảng là công-nông-trí.

Với vai trò ngày càng tăng của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, việc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực cho khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới. Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng cũng là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân trong công cuộc kiến quốc. Trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945( mà sau này là ngày doanh nhân Việt Nam) Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn nền độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Liên minh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã được Đảng ta, Bác Hồ và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào khẳng định khi chọn quốc kỳ với ngôi sao vàng năm cánh là biểu tượng cho năm giai tầng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc “Sỹ, Nông, Công, Thương, Binh”( trí thức, nông dân, công nhân, doanh nhân, binh lính). Điều này thể hiện rất rõ trong bài thơ của đồng chí Nguyễn Hữu Chiến tác giả sáng tạo ra lá cờ sao vàng năm cánh. Trong bài thơ này có đoạn:

“…Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”

Với những lập luận trên, tôi đề nghị Quốc hội quyết định sửa đổi Điều 2 trong bản Hiến pháp theo ý kiến thứ hai. Còn trong trường hợp cần khẳng định thêm các giai tầng đóng vai trò nền tảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới theo ý kiến thứ nhất thì tôi đề nghị bổ sung thêm đội ngũ doanh nhân. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu nêu trong Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết 09) về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế là phải “tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Một sự ghi nhận như vậy trong Hiến pháp sẽ có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam với vai trò là lực lượng  chủ công, người lính xung kích trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Điều 34, như đã trình bày ở trên, nếu ở Điều 2 của bản Hiến pháp sửa đổi chúng ta không nhắc tới doanh nhân thì trong cả bản Hiến pháp sửa đổi lần này, cụm từ doanh nhân không xuất hiện. Trong khi đó đối với các giai tầng xã hội khác thì dự thảo hiến pháp đều nhắc tới và có chế định về họ như: nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…v.v. Nói một cách hình tượng chúng ta thấy cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc diễu hành trong bản Hiến pháp mới, nhưng thiếu vắng đội ngũ doanh nhân.

Để khắc phục thiếu sót này tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều khoản 34 của dự thảo như sau:

Điều 34, Khoản 1, - Mọi người đều có quyền tự do kinh doanh.

Đề nghị bổ sung thêm Khoản 2 : Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nhân.

Bổ sung khoản 2 này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiệu triệu, khuyến khích doanh nhân bỏ vốn đầu tư, kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước, một yêu cầu rất quan trọng của giai đoạn hiện nay khi chúng ta xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân chủ lực. Đây cũng là việc chúng ta trở lại với lời kêu gọi của Bác trong bức thư Bác gửi giới công thương năm 1945 mà tôi cũng đã có dịp đề cập ở trên. Trong bức thư lịch sử này Bác viết: “Tôi mong giới công thương nghiệp nỗ lực và khuyến khích các nhà công thương nghiệp cùng đem vốn vào làm những công việc ích nước lợi dân..”. “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này.”

Điều 53 về tính chất, mục tiêu của nền kinh tế.

Khi nói đến tính chất, mục tiêu của một nền kinh tế hiện đại thì không thể không nói đến yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển bền vững là một cam kết về một xu hướng phát triển bảo đảm hài hoà các lợi Ích kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau. Đây là một yêu cầu có tính chất thời đại và toàn cầu, cũng là yêu cầu bức thiết của nền kinh tế nước ta. Nước ta đã tham gia vào công ước quốc tế về phát triển bền vững. Chính phủ đã ban hành chiến lược Quốc gia về phát triển bền vững. Tại dự thảo điều 53 cũng đề cập một số nội hàm của phát triển bền vững nhưng không khái quát thành khái niệm này. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung cụm từ “phát triển bền vững” vào cuối Điều 53, như một định hướng phát triển quan trọng bậc nhất của nền kinh tế nước ta.

Điều 54, về các thành phần kinh tế.

Tôi tán thành phương án 3, khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” mà không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Đồng thời khẳng định mọi thành phần kinh tế, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”

Tuy nhiên để đảm bảo chính xác theo ngôn ngữ pháp luật, tôi đề nghị sửa lại thành “các chủ thể kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế… bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” thay vì “các thành phần kinh tế… bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” vì các thành phần kinh tế không phải là chủ thể kinh doanh.

Việc không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong hiến pháp là phù hợp vì về mặt lý thuyết khi đã nói đến cạnh tranh bình đẳng thì khó có thể nói đến thành phần kinh tế này là chủ đạo, thành phần kia là không chủ đạo. Về mặt thực tiễn, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước đang có nhiều vấn đề và lịch sử kinh tế thế giới cũng chưa cho thấy một nền kinh tế nào đạt đến trình độ phát triển cao mà dựa trên thành phần nền tảng chủ đạo là kinh tế nhà nước.

Một vấn đề nữa mà chúng ta cần lưu ý là, chúng ta đang trong quá trình hội nhập, đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nước và các khu vực. Đây là một trong những động lực phát triển mới của nền kinh tế nước ta. Trong quá trình đó, một điều kiện quan trọng là các nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việc đề cập tới vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc thuyết phục các nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, gây trở ngại cho các doanh nghiệp và nền kinh tế hội nhập với thế giới.

Xin chân thành cảm ơn!

Tin tức liên quan