Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Nỗ lực sản xuất ngay từ đầu năm
  • 23/02/2024
Ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng cao vào năm 2024. Ảnh: HẢI NAM
Ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng cao vào năm 2024. Ảnh: HẢI NAM

Sôi nổi sản xuất, làm việc đầu năm

Ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024, hơn 12.000 cán bộ, nhân viên Tổng công ty May 10 (May 10) tại 8 tỉnh, thành phố đồng loạt ra quân bắt đầu ngày làm việc đầu tiên năm Giáp Thìn (mồng 6 Tết) với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2024. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, năm 2024 tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất định, song doanh nghiệp quyết tâm đạt thành tích cao với mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so năm 2023; thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,7% so năm 2023.

Để đạt được kết quả này, ông Việt cho biết, doanh nghiệp sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh.

“Quý I/2024 đã có tín hiệu tốt hơn năm trước, kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhất định, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, lạm phát giảm nhanh. Thời điểm hiện tại chúng tôi đã có đơn hàng hết tháng 4”, ông Việt thông tin.

Tương tự, sau buổi gặp mặt đầu xuân, không khí thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi tại Công ty CP giày Ngọc Hà (chuyên sản xuất các sản phẩm giày, dép da xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ). Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, 2024 vẫn là một năm rất khó khăn với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng, song theo phân tích của nhiều chuyên gia, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam có khởi sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép khác. Vì vậy, doanh nghiệp đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5-8%.

“Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, toàn bộ cán bộ, nhân viên đã bắt tay vào những nhiệm vụ đề ra như tìm kiếm đơn hàng mới, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý II”, ông Phương chia sẻ.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực về “sức khỏe” của ngành sản xuất. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Chỉ số PMI của Việt Nam tháng đầu năm 2024 quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng trưởng cho thấy “sức khỏe” của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng. Nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là yếu tố then chốt giúp số lượng đơn hàng tăng. Các nhà sản xuất đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng sản lượng trong năm 2024, với hy vọng nhu cầu sẽ cải thiện hơn nữa.

Nỗ lực sản xuất ngay từ đầu năm ảnh 1

Các doanh nghiệp dệt may đang tập trung chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: BẮC SƠN

Vẫn còn nhiều thử thách với doanh nghiệp

Đánh giá về sự chuyển biến tích cực của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng đầu năm, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực. Tuy nhiên, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng. Bởi, trong khu vực sản xuất của Việt Nam, tăng trưởng sản lượng chủ yếu tập trung vào các nhà sản xuất hàng hóa trung gian. Đặc biệt, tồn kho hàng mua giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Ông Andrew Harker nhận xét thêm: “Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức thấp nên vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có thể hiện sự quay trở lại bền vững của tăng trưởng hay không”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Thân Đức Việt cho rằng, năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam khi đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới. Do đó, doanh nghiệp dệt may không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn.

“Năm 2023 là năm bất thường nhất kể từ khi ngành dệt may xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo đó, giải pháp lớn nhất của May 10 là công tác thị trường với 80 cán bộ tìm kiếm thị trường và gần 200 cán bộ phát triển mẫu sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi đã mở thêm được thị trường ở Philippines, Thailand – dù chưa mang lại giá trị cao nhưng có thể bù đắp sự sụt giảm của thị trường truyền thống. Hướng đi này sẽ tiếp tục được vận dụng một cách hợp lý hơn trong năm 2024”, ông Việt nêu rõ.

Còn ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Công nghệ cao Thái Minh (chuyên sản xuất dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược mỹ phẩm, nguyên liệu làm thuốc y học cổ truyền) cũng cho rằng, với tình hình khó khăn chung, năm 2024, doanh nghiệp không đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh số, mà đặt mục tiêu ổn định doanh số, tối ưu hóa sản xuất để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, bao gồm: Tăng cường tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới, có giá thành tốt và chất lượng tương đương; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đưa các công nghệ chiết xuất mới vào trong sản xuất nhằm tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào; và hoạch định lại công tác tổ chức sản xuất, loại bỏ các chi phí thừa để gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thành mong muốn các dự án đầu tư cần được Nhà nước thông tin đầy đủ và có các văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng, để doanh nghiệp nắm bắt thông tin một cách kịp thời. Đặc biệt, Nhà nước cũng cần tiếp tục có các gói hỗ trợ ưu đãi tài chính như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là các gói vay với lãi suất ưu đãi để triển khai các dự án mới một cách nhanh chóng.

Nguồn: nhandan.vn

Tin tức liên quan