Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Làng nghề, phố nghề giày da thủ công, xưa và nay
  • 20/11/2013

Cách đây khoảng 500 năm (1484), tiến sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Cùng đi có ba vị: Phạm Qúy Công (tự Đức Chính), Nguyễn Quý Công (tự Sĩ Bân), Phạm Quý Công (tự Thuần Chính), đã có công tìm hiểu, học hỏi được nghề làm giày da đem về nước truyền dạy cho dân.Từ các vị này đã sản sinh ra các làng nghề, phố nghề đóng giày da thủ công tại Hà Nội và một số địa phương đồng bằng sông Hồng.

 

Sức sống mới tại những làng nghề giày da miền Bắc

 

Xã da giày Hoàng Diệu - Các làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chính là quê hương của các vị trên nên đã được truyền nghề đầu tiên. Các thế hệ dân làng nối tiếp truyền thống cha ông đã giữ gìn và phát triển nghề làm giày, dép da. Hiện toàn xã có gần 400 hộ gia đình, chiếm hơn 50% số hộ dân trong xã tham gia sản xuất giày da, túi xách và các hàng thời trang bằng da với hơn 1.000 lao động. Mỗi năm xã Hoàng Diệu đưa ra thị trường khoảng 2,5 triệu đôi giày – dép da các loại, cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác ở miền Bắc, doanh thu đạt trung bình hơn 18 tỷ đồng/năm.

 

Làng da giày Phú Yên - Làng nghề đóng giày Phú Yên thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. Cách Cầu Giẽ khoảng 2 cây số, làng nghề Phú Yên đã nổi tiếng từ hơn 100 nămnay, do 2 cụ Nguyễn Lương Nghè và Nguyễn Lương Mạc sau khi học được nghề đã về quê truyền lại cho các thế hệ dân trong làng, xã. Sau giải phóng 1954 làng nghề Phú Yên chủ yếu làm hàng xuất khẩu sang Đông Âu, nhưng sau những biến động tại Đông Âu vào đầu những năm 1990, Làng nghề Phú Yên đã kịp thời chuyển hướng và tiếp tục phát triển. Ra đời sau Làng nghề Hoàng Diệu, nhưng Làng nghề Phú Yên lại phát triển mạnh hơn, tập trung tại hai thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng với khoảng 200 hộ sản xuất quy mô lớn, sử dụng khoảng 1.500 lao động tại địa phương và các xã lân cận.

Các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phú Yên làm tất cả các khâu, từ cắt may da, thiết kế, tạo khuôn, gò giày…theo đơn hàng gia công, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Toàn xã có trên 60% số hộ có người tham gia sản xuất, kinh doanh, mỗi năm làm ra từ 6 - 7 triệu đôi giầy (tương đương sản lượng của một nhà máy), doanh thu hàng năm đạt 50 – 60 tỷ đồng, chiếm 65% tổng thu nhập toàn xã. Làng nghề da giầy Phú Yên được công nhận làng nghề truyền thống và điểm du lịch của Hà Nội, nhiều nghệ nhân giỏi đạt danh hiệu nghệ nhân bàn tay vàng. Ngày 24/10 hàng năm, Làng nghề Phú Yên tổ chức Lễ hội làng nghề để tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương và quảng bá, giới thiệu sản phẩm giầy da thủ công tới du khách gần xa.

 

 

 

Làng nghề may da Kiêu Kỵ - Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với nghề may da truyền thống, chuyên sản xuất các mặt hàng ví da, cặp sách, túi xách… giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ, tại các cơ sở sản xuất của hơn 80 doanh nghiệp trong xã. Hàng năm, làng nghề sử dụng trên 400.000 m2 vải giả da, sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm cặp, ba lô, túi xách, ô dù, lều dã ngoại… bằng nguyên liệu giả da, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Doanh thu hàng năm của Làng nghề Kiêu Kỵ đạt khoảng 60 - 70 tđồng. Hiện nay, tại Kiêu Kỵ đã hình thành nhiều Công ty lớn, điển hình là công ty LADODA thu hút hàng trăm lao động, sản phẩm cặp, túi da của công ty đoạt được nhiều giải thưởng tại các hội chợ, triển lãm trong nước.

 

Nhiều phố nghề giày da Hà Nội chỉ còn lại dấu tích

 

Trong khicác làng nghề truyền thống sớm tìm được phương hướng hội nhập để mở mang, phát triển, thì các phố nghề đóng giày, may da tại Hà Nội không có điều kiện phát triển. Một số phố nghề hiện vẫn còn những hộ gia đình kinh doanh, đóng mới hoặc sửa chữa giày, may đồ da theo yêu cầu của khách, nhưng một số phố nghề nổi tiếng trước đây, nay chỉ còn lại những dấu tích là tên phố, hay những ngôi đình, đền, chùa thờ tự những ông tổ nghề giày da.

 

Phố Hàng Hành - Nhiều đời thợ da giày từ tỉnh Hải Dương đã đến phố này sinh sống, làm nghề và buôn bán hàng da, giày. Đến trước thế kỷ 19, các phường thợ da giày đã tập trung đông đúc ở các khu vực lân cận, trở thành các phố như Hàng Da, Hàng Hài, Hàng Trống, ngõ Hài Tượng... đều có liên quan đến phường thợ da giày phố Hàng Hành. Ngày nay, phố Hàng Hành không còn kinh doanh các mặt hàng giày da nữa, nhưng vẫn còn Đình Trúc Lâm ở số 40 phố Hàng Hành (di tích đã xếp hạng) xây dựng từ thế kỷ 19, thờ tổ nghề giày da của dân làng Chắm, Văn Lâm, Hải Dương, là các ông tiến sỹ Nguyễn Thời Trung, Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân.

 

Ngõ Hài Tượng - Một nhóm thợ người làng Chắm giữa, tức làng Phong Lâm (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) lên cư trú và hành nghề đóng giày dép kiểu truyền thống từ thế kỷ 18, tại một con ngõ mang tên ngõ Hài Tượng.Nhóm thợ đã lập đền thờ Tổ nghề là Phả Trúc Lâm (được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995) tại số nhà 16 ở ngõ Hài Tượng để tôn các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sỹ Bôn, Phạm Thuần Chính quê ở làng Phong Lâm làm Tổ nghề. Hàng năm vào dịp tháng 2 và tháng 8 âm lịch,những người thợ giày da đến đền Phả Trúc Lâm làm lễ tưởng nhớ các ông Tổ nghề.

 

Phố Hàng Giầy - Một nhóm thợ khác của làng Chắm giữa, tức làng Phong Lâm (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) lên cư trú và làm nghề đóng giày và buôn bán giày dép tại đây và tên nghề trở thành tên của phố. Ngày nay, phố Hàng Giầy vẫn còn các cửa hàng bán giày dép, nhưng có thêm nhiều cửa hàng bán kẹo, bánh và hàng ăn đặc sản.

Phố Bo Khánh - Người làng Chắm trên, tức làng Văn Lâm (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), đến cư trú và làm nghề thuộc da và đóng giày dép tại phố Bảo Khánh gần hồ Hoàn Kiếm. Họ lập đình ở số nhà 20 của phố này để thờ vọng Thành hoàng làng Chắm. Ngày nay, nghề đóng giày ở đây không còn nữa, dân phố kinh doanh nhà hàng, khách sạn và bán các mặt hàng khác.

 

Phố Hà Trung - Nghề may đồ da ở đây được bắt đầu từ ông Thạch Văn Ngũ quê ở làng Nành (Phù Ninh, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm), từ đầu thế kỷ 20. Ông Ngũ đi lính thợ cho Pháp ở thành Hà Nội, học được nghề đóng giày tây, khâu yên cương ngựa, túi đựng đạn... cho quân đội Pháp. Saukhi giải ngũ, ông mở cửa hiệu sản xuất các mặt hàng đồ da ở phố Hà Trung và truyền nghề cho con cháu và người làng đến lập nghiệp. Người dân nơi đây coi ông Thạch Văn Ngũ là ông Trùm nghề đóng yên cương, may da, hàng năm vẫn làm lễ vào ngày giỗ của ông. Ngày nay, do nhu cầu thị trường các hộ kinh doanh tại phố Hà Trung đã chuyển sang làm yên và vỏ bọc xe máy, đệm bọc, cặp túi bằng da hoặc bằng vải giả da...

 

Phố Hàng Da - Phố này từng là nơi bán các loại da trâu, bò đã thuộc vì có nhiều bãi rộng, thuận lợi cho việc phơi da trong quá trình thuộc. Ngày nay, phố Hàng Da vẫn chuyên kinh doanh các mặt hàng bằng da.

 

Làng nghề giày da còn nhiều khó khăn

 

Lớp thanh niên ngày nay tại các làng nghề nhanh nhạy, sớm hội nhập thời cuộc, đã lập ra những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, phục vụ tiêu dùng trong nướcvà tham gia làm hàng xuất khẩu. Để có sản phẩm cạnh tranh, ngoài kỹ thuật sản xuất các cơ sở này cũng đã coi trọng khâu thiết kế để luôn thay đổi mẫu mới. Thế mạnh của sản phẩm giày da làng nghề là giá cả, nhiều khi rẻ chỉ bằng một nửa giá các sản phẩm cùng loại bán trên thị trường, nhờ giá công lao đông rẻ và hầu hết sử dụng nguồn nguyên liệu nội: da, đế, mex, chỉ khâu, bột đá, keo…mua từ các cơ sở sản xuất ở Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên mô hình sản xuất của làng nghề vẫn nhỏ lẻ, tự phát, thiếu mặt bằng để xây dựng những nhà máylớn và nhất là thiếu vốn để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp làng nghề không dám ký những hợp đồng lớn vì không đáp ứng đủ nhu cầu giao hàng, chủ yếu làm gia công cho các thương hiệu khác của Việt Nam, hay của nước ngoài. Sản phẩm làng nghề cũng chưa đạt độ tinh xảo theo tiêu chuẩn quốc tế và về hình thức, mẫu mã chưa phong phú như hàng Trung Quốc.

 

Mặt khác, cũng như các làng nghề thủ công khác, làng nghề đóng giày da cũng đang phải chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường, do rác thải là da thuộc chôn lấp gây ô nhiễm nặng nguồn nước ngầm và hóa chất phun giày ngay trong nhà ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Vì vậy, các địa phương có làng nghề cần gấp rút quy hoạch khu sản xuất tập trung xa khu dân cư và đầu tư xử lý rác thải, tránh ô nhiễm môi trường.

 

Hàng năm, Hiệp hội Da giày và Túi xách VN phối hợp với các làng nghề tổ chức các lớp đào tạo: thiết kế mẫu thời trang, quản lý sản xuất, kinh doanh, giữ vệ sinh môi trường và phối hợp với viện nghiên cứu Da giày Việt Nam mở các lớp đào tạo kỹ thuật, tay nghề cho người thợ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên các lớp học này chưa phù hợp lắm với mô hình sản xuất nhỏ, hộ sản xuất gia đình tại các làng nghề, vì vậy thời gian tới Hiệp hội dự định sẽ xây dựng các chương trình phù hợp hơn, kể cả đưa các chủ cơ sở, người thợ tại các doanh nghiệp có tiềm năng, đi học bài bản về da giày và giúp sản phẩm của làng nghề tiếp cận thị trường thế giới.


Lê Xuân Dương.

Tin tức liên quan